Ra quyết định Quyết định

Khái niệm

Quyết định được xem là sự phản ứng của người lãnh đạo và của tổ chức đối với một vấn đề - ra quyết định. Theo nghĩa hẹp, ra quyết định là sự lựa chọn cuối cùng phương án hành động của người lãnh đạo. Theo nghĩa rộng, ra quyết định là một quá trình gồm phát hiện vấn đề, xác định mục tiêu, tập hợp ý kiến và trí tuệ để định ra phương án; phân tích đánh giá lựa chọn phương án tối ưu, thực hiện phương án, phản hồi điều tiết. Như vậy, ra quyết định là quá trình cân nhắc và lựa chọn trong hành động để đạt mục tiêu tốt nhất của người lãnh đạo.

Bản chất

Về bản chất, ra quyết định luôn thể hiện sự cân nhắc và lựa chọn: cân nhắc và lựa chọn vấn đề giải quyết, lựa chọn mục tiêu cần đạt, sự cân nhắc các phương án để rồi lựa chọn phương án hành động trong một không gian, thời gian cụ thể…

Đặc trưng

  • Ra quyết định mang tính chiến lược: nhìn ra và tác động tới bản chất, then chốt, trọng tâm; đại cục; có tác động lâu dài.
  • Tính khách quan: quá trình ra quyết định mang tính nó vốn có, dựa trên bằng chứng khách quan.
  • Tính kịp thời: phải đảm bảo đúng thời điểm để nắm bắt thời cơ hoặc không để cho vấn đề trầm trọng hơn.
  • Mang tính dự báo: nhìn ra xu hướng mới, tiềm ẩn; đón bắt được thời cơ; lường trước những kết quả.
  • Có sự tham gia của các bên có liên quan để đảm bảo cơ chế đối thoại và phản biện.
  • Đảm bảo tính hợp pháp, hợp đạo lý: theo đúng quy trình thủ tục, tuân thủ pháp luật…

Yêu cầu

  • Người lãnh đạo phải có một phương thức ra quyết định: với sự điều chỉnh kịp thời, ứng biến linh hoạt với các thay đổi nhưng không để mất định hướng chiến lược.
  • Cốt lõi của ra quyết định lãnh đạo là quá trình cân nhắc để có sự lựa chọn phương án hành động thích hợp trong một không gian, thời gian cụ thể và do đó phải nhận diện bối cảnh cụ thể. Bối cảnh này cần được nhìn nhận tổng thể, bao gồm: (a) bối cảnh quốc gia, quốc tế, khu vực; (b) Bối cảnh trong nước, các lực lượng/các bên liên quan, các lợi ích..; (c) Hoàn cảnh của bản thân, gia đình, tổ chức, tức là đánh giá thực lực của mình (con người, vật lực, tiền bạc, uy thế…) mình đang có. Bối cảnh này cần được nhìn nhận kéo dài từ trước, trong và sau khi ra quyết định chứ không chỉ tại thời điểm họ ra quyết định.
  • Quá trình ra quyết định lãnh đạo luôn là sự chuyển hóa liên tục giữa tư duy và hành động của người lãnh đạo. Ra quyết định lãnh đạo chứa đựng trong đó sự cân nhắc để đưa ra những nhận định đúng, đưa ra sự lựa chọn trong bối cảnh phức hợp. Ra quyết định lãnh đạo cũng chứa đựng trong đó những hoạt động trải nghiệm thực tiễn, “dò đá qua sông”, vừa làm vừa điều chỉnh. Hoạt động trải nghiệm sẽ đem lại cho người lãnh đạo tri thức mới về bối cảnh, về vấn đề lãnh đạo.
  • Để có được nhận định sáng suốt trong ra quyết định, người lãnh đạo cần có sự trải nghiệm và “Hiện tại mở”, có tư duy hệ thống, tâm trong sáng, biết quan sát, học hỏi và lắng nghe.[1]